Canon và Nikon là hai thương hiệu lớn trong lĩnh vực máy ảnh. Việc chọn lựa sản phẩm của hãng nào hiện đang khiến rất nhiều người phải đau đầu bởi không có thương hiệu nào thực sự vượt trội so với đối thủ về mọi mặt.
Đối thủ truyền kỳ
Hãng Nikon được hình thành từ năm 1917 với cái tên Nippon Kogaku K.K, chuyên sản xuất các loại kính công nghiệp, sau đó dần mở rộng ra các mảng kinh doanh khác như ống kính máy ảnh, thiết bị kính hiển vi hay những dụng cụ nghiên cứu khác.
Trước chiến tranh thế giới thứ II, Nikon cũng tham gia sản xuất các thiết bị khí tài quân sự cho chính phủ Nhật Bản.
Sau khi chiến tranh kết thúc, Nikon bị buộc phải ngừng các hoạt động chế tạo thiết bị quân sự và chuyển sang sản xuất hàng tiêu dùng. Trước chiến tranh, Nikon chỉ chế tạo ống kính máy ảnh mà không sản xuất máy ảnh. Tuy nhiên, điều này đã buộc phải thay đổi khi Nhật Bản thất bại trong thế chiến II và chiếc máy ảnh Nikon đầu tiên đã được sản xuất vào cuối thập niên 40.
Trong khi đó, Canon ra đời muộn hơn, vào năm 1934 dưới hình thức một phòng thí nghiệm các dụng cụ quang học chuyên sản xuất loại máy ảnh “Kwanon”, một sản phẩm nhái lại dòng máy ảnh Leica thời đó với ống kính sử dụng của Nikon.
Khi đó, Nikon đã là một công ty lớn trong mảng ống kính camera. Công ty này dần phát triển và cũng mở rộng sang kinh doanh hàng tiêu dùng và thiết bị công nghiệp. Đến năm 1947, hãng chính đổi tên thành Canon Inc.
Mới đầu, do đã có thời gian sản xuất thiết bị cho quân đội nên Nikon là công ty chuyên sản xuất dòng máy ảnh chuyên nghiệp với chất lượng cao và giá cả đắt đỏ. Trong khi đó, Canon lại là công ty chuyên sản xuất dòng camera bình dân nên hai hãng này không có nhiều cạnh tranh.
Tuy nhiên, Nikon bắt đầu lấn sân sang dòng máy ảnh bình dân và Canon cũng sản xuất các camera chuyên nghiệp vào cuối thập niên 70, qua đó gia tăng sự cạnh tranh giữa 2 hãng máy ảnh hàng đầu thế giới hiện nay.
Vào thập niên 80, khi dòng máy ảnh tự động lấy tiêu cự bắt đầu nổi lên, sản phẩm của Nikon được ưa chuộng hơn bởi ống kính và máy ảnh của hãng vẫn tương thích với nhau dù công nghệ mới ra đời. Trong khi đó, người dùng sẽ phải mua ống kính mới nếu muốn sử dụng máy ảnh tự động xác định tiêu cự của Canon. Khoảng thời gian này, Nikon vẫn có vị thế đứng đầu trong lĩnh vực máy ảnh chuyên nghiệp.
Từ thập niên 90, Canon bắt đầu bắt kịp vị thế của Nikon khi tốc độ lấy tiêu cự của Canon nhanh hơn Nikon, và điều này khiến những phóng viên thể thao, người dùng máy ảnh chuyên nghiệp chủ chốt thời đó, ưa thích Canon hơn.
Hiện nay, tốc độ lấy tiêu cự của cả 2 hãng là tương đương nhau. Nếu phải so sánh, người tiêu dùng sẽ rất khó chọn lựa loại máy ảnh nào ưu việt hơn mà chỉ có thể chọn lựa theo sở thích.
Xét về tổng thể, sản phẩm của Nikon và Canon đều khá tương đồng về chất lượng. Máy ảnh của cả 2 hãng đều có ống kính chất lượng tốt với nhiều mức giá khác nhau và kỹ thuật được ứng dụng cũng tương tự. Điều khác biệt duy nhất giữa máy ảnh của Nikon và Canon là độ phù hợp của mỗi loại camera đối với môi trường tác nghiệp hay sử dụng của khách hàng.
Không chỉ là máy ảnh
Cả hai công ty Nikon và Canon đều là những tập đoàn tỷ USD kinh doanh trong lĩnh vực quang học cho người tiêu dùng, ngành công nghiệp hoặc thậm chí quân sự qua nhiều thập kỷ. Không giống như Sony hay Panasonic chỉ hoạt động trong lĩnh vực thương mại tiêu dùng, Nikon và Canon đã kiếm được hàng triệu USD thông qua mảng sản xuất chất bán dẫn và thăm dò không gian.
Với nguồn tài nguyên lớn, kinh nghiệm lâu năm và doanh thu khổng lồ, cả Nikon và Canon đều có thể phát triển những kỹ thuật và thuật toán “riêng biệt” nhằm tối ưu hóa chất lượng ảnh của từng dòng sản phẩm. Vì vậy, những bức ảnh từ sản phẩm của 2 công ty được giới chuyên gia đánh giá là chất lượng hơn hẳn những thương hiệu khác trong lĩnh vực chụp ảnh.
Hiện việc chọn máy ảnh của hãng nào đang gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên nghiệp, tuy nhiên hầu hết những nhận định thiên về một dòng sản phẩm chỉ mang tính cá nhân bởi không thực sự có sản phẩm của công ty nào thực sự vượt trội so với đối thủ về mọi mặt.
Không chỉ kinh doanh trong ngành máy ảnh, cả Nikon và Canon đều là những tập đoàn nổi tiếng hoạt động trong các lĩnh vực khác. Nikon là một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới về kính hiển vi cho phòng thí nghiệm, vượt qua cả những công ty chuyên kinh doanh trong mảng này như Zeiss hay Leitz.
Hãng cũng tham gia hoạt động trong mảng thiết bị văn phòng, công nghiệp hay nhiều mảng kinh doanh khác. Tuy vậy, mảng kinh doanh máy ảnh và thiết bị ảnh vẫn là chủ đạo.
Trong khi đó, Canon cũng là một công ty lớn trong ngành sản xuất thiết bị công nghiệp bán dẫn cũng như ống kính máy quay phim và nhiều sản phẩm khác. Lĩnh vực máy ảnh và thiết bị ảnh hiện chỉ chiếm 36% tổng doanh thu của hãng, trong khi mảng thiết bị văn phòng chiếm tới 56% doanh số.
Có một điều thú vị là Canon vốn thua kém Nikon về lịch sử hình thành cũng như khởi điểm kinh doanh. Thậm chí Canon chỉ thực sự được so sánh với Nikon từ thập niên 90 trong ngành máy ảnh. Tuy nhiên, hiện doanh thu của Canon lại vượt xa so với Nikon. Nguyên nhân chủ yếu là Canon không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực máy ảnh mà còn vươn mạnh sang các lĩnh vực kinh doanh khác.
Năm 2014, doanh thu của Canon đạt hơn 3,7 nghìn tỷ Yên, tương đương hơn 30 tỷ USD, còn Nikon chỉ đạt hơn 980 tỷ Yên, tương đương hơn 8 tỷ USD.
Chiến lược phân phối
Chiến lược bán hàng của Nikon và Canon cũng khá khác nhau. Trong khi Nikon thường công bố sản phẩm mới một vài tháng trước khi chính thức bán thì Canon lại đã có hàng sẵn khi có dòng máy ảnh mới.
Phương thức bán hàng của Nikon giúp các cửa hàng tiêu thụ được những sản phẩm cũ hoặc có kế hoạch giảm giá trước khi loại máy ảnh mới được bày bán. Tuy nhiên, khách hàng sẽ phải chờ đợi nếu muốn sở hữu sản phẩm mới được công bố của Nikon.
Trái ngược lại, người tiêu dùng có thể sở hữu ngay một chiếc máy ảnh Canon mới ra mắt, nhưng cách bán hàng này của công ty có thể khiến những dòng sản phẩm cũ bị tiêu thụ chậm lại.
Ngoài ra, phương thức sản xuất của hai hãng Nikon và Canon cũng ảnh hưởng phần nào đến cách bán hàng của 2 hãng.
Hầu hết những sản phẩm của Canon được sản xuất tại Nhật Bản và chỉ những phụ kiện rẻ tiền nhất được thuê ngoài sản xuất, như tại Trung Quốc. Vì vậy, chất lượng của các máy Canon được đảm bảo. Tuy nhiên, điều này khiến chi phí máy Canon đắt hơn và quy trình bảo hành của hãng bị kéo dài hơn.
Trái ngược lại, Nikon thuê ngoài sản xuất hầu hết các thiết bị máy ảnh của mình, như tại Thái Lan hay Trung Quốc. Chiến lược này giúp sản phẩm của hãng có giá rẻ hơn, quy trình bảo hành nhanh hơn nhưng lại có rủi ro về chất lượng.
Nguồn: Chiến lược Marketing
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét