Lịch sử thương hiệu Dior - K-Marketing kiến thức marketing chuyên sâu

Post Top Ad

Responsive Ads Here
Lịch sử thương hiệu Dior

Lịch sử thương hiệu Dior

Share This
Christian Dior: Thương hiệu đi trước thời đại
Ngay từ khi mới ra đời, Christian Dior đã là một đỉnh cao bởi những sáng tạo thời trang khiến thế giới phải sửng sốt. Không chỉ khôi phục lại vẻ đẹp lộng lẫy xa hoa của Kinh đô ánh sáng, Dior còn được biết đến như một thương hiệu luôn đi trước thời đại. Mọi thiết kế của Dior chỉ vừa mới xuất hiện đã nhanh chóng được ưa chuộng và trở thành trào lưu trên toàn thế giới.

Christian Dior

Cuộc đời Christian Dior (21/1/1905 – 23/10/1957)

Christian Dior

Christian Dior sinh ra tại Granville, Manche, Normandy, là con thứ trong một gia đình kỹ nghệ nổi tiếng sáng tạo với bột giặt “Saint-Marc”, cha là Maurice Dior, và mẹ là bà Madeleine Martin. Tuổi thơ nhung lụa của Dior trong gia cảnh khá giả và thời kỳ Vàng Son của châu Âu (Belle époque: 1890-1914) đã lôi kéo sự chú ý của ông hướng đến âm nhạc và hội họa hơn mọi thứ khác.
Có một giai thoại về Dior khi ông tham dự hội chợ ở quê nhà, người đàn bà xem chỉ tay cho ông đã nói rằng: “quý bà sẽ làm lợi cho ông, và chính nhờ quý bà mà ông sẽ thành công”. Lời tiên đoán đó tưởng chừng chỉ là thoáng qua, và quả thực đã bị quên lãng suốt nhiều năm tháng.
Năm 1920, theo ý gia đình, Dior vào học Trường Khoa học Chính trị Ecole des Sciences Politiques. Nhưng chính trị khô khan không thỏa mãn được khát vọng nghệ thuật của chàng trai trẻ nên Dior đã bỏ học sau 5 năm.
Cuộc phiêu lưu nghệ thuật của Dior bắt đầu từ năm 1928 với một phòng tranh triển lãm các hoạ phẩm của Pablo Picasso, Henri Matisse, Jean Cocteau hay cả Salvador Dali… mở cùng một người bạn là Jacques Bonjean; song nhanh chóng phải kết thúc ngay khi xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1930. 
Liên tiếp sau đó là những biến động to lớn khiến gia đình Dior suy sụp. Mẹ mất vào năm 1931, việc kinh doanh lụn bại làm cả biệt thự Granville cũng phải bán cho thành phố, phòng triển lãm thì bị đóng cửa vì căn bệnh lao hành hạ Dior.

Vượt qua hoàn cảnh
Mấy năm đằng đẵng, Dior sống trong lòng hảo tâm của bạn bè và lay lắt duy trì ước mơ nghệ thuật bằng vài bản phác thảo vẽ cho các nhà mốt. Đến năm 1935, tờ Figaro Illustré thâu dụng ông làm hoạ sĩ minh hoạ. Trước sự khuyến khích của mọi người, ông tạo mốt cho quần áo sân khấu. Tài năng của ông nhanh chóng được Robert Piguet phát hiện và đỡ đầu vào năm 1938.

Rủi thay, sự nghiệp của Dior lần nữa bị gián đoạn khi chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ. Ông tham chiến 1 năm thì giải ngũ theo bố và em gái về miền Nam nước Pháp, gác lại giấc mộng thời trang. 
Nhưng, đam mê làm đẹp cho hình dáng đàn bà đã không ngừng thôi thúc và ông quay lại Paris vào năm 1941. Lần này, ông làm việc với Lucien Lelong, một trong những nhà may lớn nhất thời bấy giờ. Chính tại nơi đây, ông đã có được cơ hội của đời mình.
Năm 1945, cuộc gặp gỡ giữa Christian Dior và vua vải Marcel Boussac đã khai sinh ra kinh đô thời trang thế giới. Giai thoại kể lại rằng khi Marcel Boussac đưa ra những đề nghị hấp dẫn, Dior đi bói bài và lời tiên đoán ngày nào đã trở lại: “Nhận đi, nhận lời đi, ông sẽ thành lập nhà Christian Dior, dù điều kiện lúc đầu thế nào”.

Người khai sinh một đế chế thời trang
Chuyện sau đó thì như chúng ta đã biết, ông vua vải đầu tư một số tiền khổng lồ là 60 triệu quan cho nhà may mang tên Christian Dior nằm tại số 30 đại lộ Montaigne gần Champs Elysée, khu thượng lưu trứ danh, mở đường cho ngành công nghiệp may mặc Pháp tiến lên đỉnh cao trong lịch sử thời trang và thắp sáng cho một tài năng vĩ đại hứa hẹn rồi đây sẽ khuynh đảo cả thế giới.

Tháng 2 năm 1947, ra mắt bộ sưu tập đầu tiên ở tuổi 42 nhưng những thiết kế mang tên New Look của ông đã vượt trên cả tuổi tác, hơn cả thời đại và đốt cháy cả thế giới thời trang đúng như kỳ vọng. Không quá chút nào khi nói rằng Dior đã tái sinh hình dáng đàn bà. Ông giải phóng phụ nữ khỏi lớp vải xù xì, khô cứng và bọc lấy thân thể họ bởi đường cắt may tinh xảo, bồng bềnh trên những thớ vải mềm mại vuốt ve từng đường cong quyến rũ.
Như để thỏa mãn khát khao sáng tạo suốt bao năm tháng bị kiềm nén và ngăn trở, Christian Dior liên tục tung ra những thiết kế táo bạo, thậm chí không ngần ngại phủ định kiểu dáng trước. Ông hết thắt eo cho những chiếc váy lại mở toang mọi đường may để phụ nữ thoải mái tối đa. Không dừng lại ở đó, ông còn rắc lên phụ nữ những mùi hương tuyệt vời nhất như một nét điểm xuyết hoàn hảo cuối cùng cho bộ trang phục đẹp lộng lẫy.
Cái tên Christian Dior đã trở thành ước mơ của mọi phụ nữ. Chỉ tiếc là giấc mơ không dài. Người ta càng say đắm tài năng của Dior bao nhiêu, thì lại càng hụt hẫng bấy nhiêu trước sự mất mát đột ngột của ông vào ngày 23/10/1957, giữa lúc quá nhiều dự định vẫn đang ấp ủ.

Phù du, rồi sẽ qua?
Ông thường hay nói công việc của ông chỉ là “Phù du, rồi sẽ qua” nhưng dường như, mọi thứ đều chứng minh điều ngược lại. Cuộc đời Christian Dior đến nay vẫn là một kim tự tháp thời trang không ai có thể quên lãng, và thương hiệu Christian Dior mà ông để lại đã vượt qua mọi biên giới quốc gia, trở thành thương hiệu thời trang đắt giá trên toàn cầu.
Thành tựu
* Christian Dior là người đầu tiên được nhận giải thưởng Neiman-Marcus Award vào năm 1947. Đây là một vinh dự lớn vì Neiman-Marcus Award chính là giải thưởng “Oscar Thời Trang”.
* Huy chương Vàng Parsons dành cho Thành tựu Nổi bật vào năm 1956.
Lịch sử thương hiệu Christian Dior

  • Năm 1946, cửa hàng may mặc thời trang Christian Dior đầu tiên xuất hiện ngay giữa lòng thành phố Paris.
  • Năm 1947, BST Ligne Carolle  hay được biết đến nhiều hơn bởi cái tên New Look ra đời đã gây chấn động lớn trong ngành thời trang thời hậu chiến, định hướng lại trào lưu ăn mặc toàn cầu. Tên tuổi của Christian Dior được ca tụng như một trong những nhà tạo mẫu lớn nhất thế kỷ 20.
  • Nối tiếp thành công của "New Look", Dior cho ra đời sản phẩm nước hoa đầu tiên mang tên Miss Dior.
  • Từ một cửa hàng may mặc thời trang, Christian Dior cùng với trợ lý Jacques Rouet quyết định xây dựng cả một đế chế thời trang: trang phục, phụ kiện, nước hoa, đồ lót…và nhanh chóng được mọi phụ nữ Pháp tìm đến. Đây cũng chính là khởi điểm cho ngành công nghiệp thời trang thế giới.
  • Năm 1948, vượt khỏi biên giới nước Pháp, Christian Dior xuất hiện ở New York như một cú đấm mạnh mẽ vào thị trường thời trang đang khát những thiết kế đột phá. Châu Âu, và giờ là châu Mỹ bừng tỉnh chạy theo bước chân của Dior.
  • Trong một thời gian ngắn, Dior đặt nền tảng cho một đế quốc thực sự khi thực hiện đường lối cầu chứng thương hiệu tại toà bằng cách cho thuê tên mình gắn lên những sản phẩm do các nhà kỹ nghệ khác sản xuất hàng loạt, và họ trả tiền hoa hồng theo số hàng bán được cho ông. Đồng thời, Dior mở nhiều văn phòng liên lạc rộng rãi với khách hàng khắp thế giới và liên tục tổ chức những cuộc trình diễn thời trang quy mô.
  • Sự mất mát của Dior
  • Năm 1955, Yves Mathieu-Saint-Laurent làm trợ lý thiết kế cho Dior cùng thời điểm Dior khai trương cửa hàng mới trên đại lộ Montaigne và bắt đầu hoạt động trong ngành mỹ phẩm.
  • Năm 1956, đảm nhận việc thiết kế hàng loạt trang phục cho Ava Gardner trong “The Little Hut”, đưa Christian Dior thành một tên tuổi rực sáng trên màn ảnh.
  • Những năm sau đó Christian Dior trở thành sự lựa chọn số một các ngôi sao hàng đầu Hollywood như: Ava Gardner, Rita Hayworth, Elizabeth Taylor, Olivia De Havilland, công chúa Margaret của Anh, nữ hoàng Sylvia của Thuỵ Điển hay ngôi sao múa ba lê Margot Fonteyn…
  • Năm 1957, chỉ riêng Dior đã chiếm phân nửa số hàng xuất khẩu của ngành may mặc Pháp. Time Magazine đưa ông lên trang nhất với thành quả 11 năm xây dựng để Dior trải rộng khắp 15 quốc gia với hơn 2000 công nhân.
  • Tháng 10/1957, cái chết thình lình của Dior làm rúng động thế giới thời trang. Lễ tang của Dior được cử hành trọng thể ở Paris với hơn 2.500 người đưa tiễn.
  • Khi đó, Yves Saint Laurent chưa tròn 21 tuổi đã bỡ ngỡ đảm đương cơ nghiệp, và không phụ lòng mong mỏi của Dior, đã trở thành người kế thừa xuất sắc tinh thần Christian Dior.
  • Năm 1958, Yves Saint Laurent cho ra mắt BST đầu tiên, đánh dấu sự trở lại huy hoàng của một thương hiệu thời trang đẳng cấp.
  • Từ đó đến nay, sau 65 năm phát triển và thăng hoa bởi những tên tuổi sáng giá như Yves Saint Laurent, Alexander McQueen, gần đây nhất là “hoàng tử thời trang” John Galliano, các chi nhánh thời trang của Dior đã có mặt ở khắp nơi trên thế giới, trải dài từ châu Âu, châu Mỹ, đến châu Á, từ  Paris, London, Milano, New York, Los Angeles, đến Tokyo, Shanghai… Mỗi lần ra mắt là một lần thế giới thời trang phải ngỡ ngàng, Christian Dior thực sự là một thương hiệu thời trang luôn đi trước, và quyết định thời đại.
  • Những bộ sưu tập làm nên tên tuổi Dior
  • Năm 1947, BST Ligne Carolle – New Look
  • Với tác phẩm điển hình cho dòng thời trang New Look, chiếc váy Chérie khiến bất cứ ai cũng phải trầm trồ bởi vẻ đẹp choáng ngợp của thân váy ôm sát eo để lộ đường cong chết người, sau đó là từng lớp vải nối nhau trải dài đầy thướt tha và lớp váy bồng lên ở vòng ba kết thúc cho một vòng số 8 hoàn hảo của hình dáng đàn bà.
  • Năm 1949–1950 , BST Thu Đông
  • Lấy cảm hứng từ vẻ đẹp huyền bí của thần thoại Hy Lạp, Venus, Junon (hay Hera) không hổ danh là những chiếc váy tinh tế bậc nhất với phần đuôi váy được thiết kế như đuôi chim công thêu bằng chỉ ngũ sắc sống động.
  • Năm 1953, BST Xuân Hè – Tulip
  • Tươi mát, ngây thơ như một bông hoa “Tulip”. Dior chấm dứt thời kỳ phức tạp trong những mẫu thiết kế, hướng đến vẻ đẹp trẻ trung, thoái mái.
  • Xu hướng Flat Look giải phóng phụ nữ
  • Năm 1954, xu hướng Flat Look
  • Cuộc cách mạng giải phóng vòng eo phụ nữ lên đến đỉnh cao với xu hướng thiết kế mới French Bean Line hay còn gọi là Flat Look. Ông phủ định chiếc váy Chérie bằng kiểu váy thẳng tưng, không thắt eo, vô cùng dễ chịu.
  • Năm 1955, A-Line
  • Thổi nét cá tính vào trang phục, bộ áo váy hình chữ A màu xám biến thể từ bộ trang phục của nam giới đã nhanh chóng chinh phục các quý cô khi họ đang ngày càng muốn khẳng định vị trí của mình trong xã hội. Từ đây, Dior khai sinh ra dòng “A-line”  thống trị suốt thập niên 60.
  • Năm 1956, Y-Line
  • Cổ áo khoét sâu, rộng và trễ nải ra tận 2 chóp vai, thân áo kéo thẳng xuống đơn giản, kết hợp cùng sự sang trọng của vải nhung và satin đã mang lại vẻ đẹp hoàn hảo cho một chiếc váy dạ hội của Dior và vẫn còn quyến rũ đến ngày nay.
  • Những mùi hương thiên đường của Christian Dior
  • Christian Dior cho rằng nước hoa là “món bổ khuyết không thể thiếu cho tính cách đàn bà, là nét điểm xuyết cuối cùng của chiếc áo”. Vì vậy, những mùi hương thiên đường lần lượt ra đời.
  • Năm 1947, Miss Dior xuất hiện sang trọng, thanh lịch, và không thể chối từ.
  • Năm 1949, Diorama
  • Năm 1953, Eau Fraiche
  • Năm 1956, Diorissimo
  • Năm 1963, Diorling
  • Năm 1966, nước hoa nam giới lần đầu tiên xuất hiện: Eau Sauvage, được sáng tạo bởi Edmond Roudnitska.
  • Năm 1972, vẫn là Edmond Roudnitska với Diorela
  • Năm 1976, Dior-Dior
  • Năm 1979, Dioressence
  • Năm 1980, Jules
  • Năm 1984, Extreme
  • Năm 1985, 1988, 1991, Jean-Louis Sieuzac cho ra đời Poison, Farenheit, Dune.
  • Năm 1994, 1995 là Tender Poison và Dolce Vita được sáng tạo bởi Piere Bourdon và Maurice Roger.
  • Năm 1997, Dune for man,
  • Năm 1998, Eau de Dolce Vita và Hypnotic Poison
  • Năm 1999, J’adore
  • Năm 2000, Remember Me
  • Năm 2001, Forever and Ever
  • Năm 2002, I love Dior.

Và gần đây nhất là Higher, Tellement Or of J’adore, Dior Addict.
Mỗi dòng nước hoa của Dior lại thể hiện một nét cá tính riêng biệt của một quý cô Dior. Lạc vào thế giới mùi hương đó, chẳng khác nào lạc đến Thiên đường.


Biến động to lớn của một thương hiệu thời trang hùng mạnh
Những ngày đầu tháng 3/2011, Dior đứng trước một sự mất mát đột ngột khi nhà thiết kế của hãng, người được mệnh danh là “Hoàng tử thời trang” John Galliano bị bắt giam do có ngôn từ phỉ báng những người gốc Do Thái và tuyên bố “yêu Hitle”. Sau đó 3 ngày, dù tiếc nuối một tài năng sáng tạo vượt bậc, Christian Dior vẫn phải sa thải John Galliano. Sự kiện này đã làm chấn động làng thời trang thế giới và để lại nỗi hụt hẫng trong lòng mọi tín đồ thời trang hâm mộ chàng “hoàng tử” đã luôn thỏa mãn cho họ những giấc mộng phù hoa nhất.

Bị sa thải ngay trước thềm Tuần lễ thời trang Paris, những thiết kế mới nhất của Galliano đã không được xuất hiện một cách hào nhoáng như trước nay, và cũng không còn những lời trầm trồ bởi vẻ đẹp choáng váng đóng mác “Galliano”. Nhiều người ngậm ngùi: có phải từ đây, linh hồn Dior đã tắt?

Christian Dior vẫn chưa tiết lộ danh tính người kế nhiệm ngôi vị của “hoàng tử”, nhiều khả năng Ricardo Tisci – nhà thiết kế của Givenchy – sẽ tiếp nối linh hồn Dior. Nhưng tất cả chỉ là dự đoán!

Không lùi bước
Dior đang trải qua một giai đoạn khó khăn. Dù vậy, như phát biểu của Giám đốc điều hành Sydney Toledano trong đêm diễn của Dior vào ngày 4/3/2011: “…hiện giờ, điều cần thiết hơn bao giờ hết là việc cam kết các giá trị thời trang của Dior…”; đội ngũ sáng tạo của Dior vẫn sát cánh cùng thương hiệu thời trang này để tiếp tục ấp ủ và chinh phục những khát khao làm đẹp bất tận.

Nguồn: HerVietnam.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad

Responsive Ads Here

Pages